Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Mỗi tuần một gương mặt
> Gương mặt
6/10/2020 09:39:51
Điều cấm kỵ về chăn nuôi gia cầm: Thêm một rào cản dành cho phụ nữ ở một số địa phương tại Ấn Độ
Ở Ấn Độ, các cộng đồng bộ lạc đã bắt đầu việc chăn nuôi gia cầm từ thời xa xưa – rất lâu trước khi Chính phủ và các bộ máy nhà nước phát triển, họ coi đó là một hình thức sinh kế và là một thành phần chính của chính sách an ninh lương thực. Đây là một hoạt động phổ biến ở các gia đình bộ lạc sống ở các khu vực nông thôn và rừng rậm của Ấn Độ, họ thường sẽ nuôi khoảng hơn chục con gà trong sân sau nhà. Những con gà này thường là một giống gà bản địa, hầu hết đàn gà dùng để làm thức ăn cho gia đình và các dịp lễ hội, các hộ chăn nuôi cũng sẽ bán một số ít gà cho người khác. Gà là một phần của nhiều sự kiện và nghi lễ văn hóa giữa các cộng đồng bộ lạc.

Như tại các địa phương khác của Ấn Độ, đây là tập tục trong cộng đồng bộ lạc Kondh của Odisha – sống tập trung chủ yếu ở quận Kandhamal và một phần ở quận Kalahandi và Rayagada. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thịt và trứng gà trong cộng đồng Kondh bị ảnh hưởng bởi những điều cấm kỵ và kỳ thị.

Một thành viên của Mahima SHG ở làng Dakedi kiểm tra sự phát triển của gà một tháng tuổi tại cơ sở chăn nuôi. © Basudev Mahapatra

Gà không dành cho phụ nữ và bé gái 

Chandrika Kanhar, 30 tuổi, sinh sống ở làng Dadadimaha của quận Kandhamal, cô nuôi khoảng một chục con gà – cả gà mái và gà trống – trong sân sau nhà cô, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và văn hóa của gia đình cô. Nhưng các chuẩn mực xã hội của cộng đồng không cho phép cô ấy ăn thịt hoặc trứng gà.

Thường phụ nữ ở Kandhamal và các vùng khác trong khu vực nuôi một số lượng nhỏ gà để cung cấp cho gia đình và thực hiện các nhu cầu văn hóa của họ, nhưng họ bị cấm không được ăn thịt chính những con gà này. Phong tục của cộng đồng không cho phép một số phụ nữ ăn thịt hoặc trứng gà.

“Đó là một điều cấm kỵ! Trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dưới 50 tuổi, sau dậy thì không được ăn thịt và trứng gà. Trên thực tế, chúng bị cấm bởi các luật lệ của cộng đồng”, Nrupati Majhi, 45 tuổi, ở làng Kanakpur, huyện Kalahandi, nói: “Chúng tôi không biết tại sao lại có điều luật như vậy”.

Theo Diksha, một chuyên gia truyền thông thay đổi hành vi của chương trình Odisha Care India, lý do của những quy định phân biệt giới tính liên quan đến gia cầm như vậy thường bị lãng quên và “không ai trong cộng đồng biết. Nó rất phi khoa học và phân biệt đối xử”, cô nói. Là một phần của dự án thúc đẩy nông nghiệp tập trung vào dinh dưỡng với phương pháp tiếp cận hệ thống thực phẩm, Diksha đã làm việc với cộng đồng bộ lạc trong 4 năm.

Cô nói: “Nó làm mất đi quyền cơ bản của trẻ em gái và phụ nữ ở tuổi vị thành niên đối với nguồn thực phẩm và dinh dưỡng dễ dàng, sẵn có, vì nuôi gà là hoạt động phổ biến đối với mọi gia đình trong bộ lạc. Và điểm quan trọng nhất là các trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi này bị cấm tiêu thụ thịt và trứng gà khi họ thực sự cần lượng dinh dưỡng để có sức khỏe sinh sản tốt hơn”.

Người phụ nữ bộ lạc Kondh Chandrika Kanhar nuôi khoảng 12 con gà  trong sân sau của mình để cung cấp  cho gia đình. © Basudev Mahapatra
 
Một bộ lạc bị thiếu dinh dưỡng 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các khu vực có bộ lạc, tình trạng dinh dưỡng của người dân nông thôn và bộ lạc trên khắp Ấn Độ rất kém. Theo báo cáo, lượng thức ăn của cả trẻ em và người lớn trong các khu vực bộ lạc thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép đối với chế độ ăn uống được khuyến nghị bởi Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, đặc biệt là bị thiếu hụt protein và các vi chất dinh dưỡng khác.

Báo cáo Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia của Ấn Độ (2015 – 2016) chỉ ra rằng 44% trẻ em dưới 5 tuổi của bộ tộc có dấu hiệu thấp còi, trong khi 45% nhẹ cân so với tuổi của chúng.

Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình cho thấy, trong các cộng đồng bộ lạc của Odisha, tình trạng thiếu máu phổ biến ở 73,4% trẻ em gái vị thành niên (15 – 19 tuổi) và 63,3% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 49 tuổi).

Hồ sơ dinh dưỡng của quận Kandhamal cho thấy tỷ lệ thấp còi là 38,4% và gầy còm là 23,1% ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong số trẻ em cùng lứa tuổi, 43,1% nhẹ cân và 42,7% thiếu máu. Hơn một nửa (52,7%) phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong huyện cũng bị thiếu máu. Thiếu dinh dưỡng được coi là cốt lõi của tất cả những vấn đề này; nguyên nhân chính là do chế độ ăn nghèo nàn, thiếu vi chất dinh dưỡng trong thức ăn họ tiêu thụ.

Nirakar Dandsena, một quan chức phụ trách lĩnh vực Care India có trụ sở tại Kalahandi cho biết: “Trong tình trạng dinh dưỡng khắc nghiệt như vậy, việc cấm trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ăn thịt và trứng gà là điều rất đáng quan ngại”.

Với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở phụ nữ, trẻ em gái và trẻ em từ các cộng đồng bộ tộc nói chung và cộng đồng Kondh nói riêng, tiêu thụ thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng quan trọng là điều cần thiết đối với trẻ em gái và phụ nữ vị thành niên. Dandsena nhấn mạnh: “Và thịt và trứng gà là nguồn protein từ động vật được ưa thích nhất của Ấn Độ, dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các hộ gia đình bộ lạc”.

Anandini Biswal đang chăm gà con một ngày tuổi của cơ sở chăn nuôi gà Tulapada. © Basudev Mahapatra

Thay đổi hành vi và chống kỳ thị 

Với việc tiếp cận với giáo dục nhiều hơn của cộng đồng và các hoạt động cảm hóa đang diễn ra trong cả sứ mệnh dinh dưỡng quốc gia của Ấn Độ và các chương trình dinh dưỡng của bang, sự kỳ thị về việc phụ nữ tiêu thụ thịt và trứng gà đang dần phai mờ. Người dân làng Nrupati Majhi cho biết: “Cho đến khoảng thời gian gần đây, chúng tôi vẫn không biết gì về thế giới bên ngoài. Sau khi tham dự nhiều chương trình về thực phẩm và dinh dưỡng, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của trứng và thịt gà đối với sức khỏe của chúng tôi và sức khỏe của con gái chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi bỏ qua những điều cấm kỵ xung quanh việc tiêu thụ thịt và trứng gia cầm”.

Suruchi Majhi, 34 tuổi, ở làng Kanakpur, huyện Kalahandi tin rằng trẻ em gái vị thành niên cần ăn trứng và thịt gia cầm để nuôi con khỏe mạnh sau này. “Ngoài việc giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ, còn cách nào khác để có thể mong đợi những đứa trẻ khỏe mạnh?”, Suruchi – Nhà bảo vệ quyền lựa chọn và tiêu thụ thức ăn của phụ nữ và trẻ em gái, đặt câu hỏi. 

Đánh giá cao rằng thịt và trứng gà là những nguồn giàu protein từ động vật, Manini Kanhar ở làng Kandhamal’s Dadadimaha bổ sung thêm một quả trứng vào chế độ ăn uống của con gái mình mỗi ngày. “Nuôi gà ở sân sau liệu có ích lợi gì nếu con gái tôi không được ăn?”, cô ấy hỏi.

Damayanti Kanhar ở làng Bhanjapadar rải gạo tấm cho đàn gà mà cô đang nuôi.

Công việc sinh kế mới xuất hiện 

Với sự giảm bớt cấm kỵ, phụ nữ ở các cộng đồng nông thôn đang nhìn thấy những cơ hội mới trong chăn nuôi gia cầm thả vườn. Nhiều phụ nữ bộ lạc Kondh đã tiến tới việc thành lập các cơ sở chăn nuôi gà con và bán gà con một tháng tuổi khỏe mạnh cho những phụ nữ khác trong cộng đồng muốn bắt đầu các hoạt động nuôi gia cầm.

“Chúng tôi đang nuôi gà con một hoặc hai ngày tuổi, lấy từ các trại giống tư nhân hoặc Chính phủ như Tổ chức Phát triển Gia cầm Trung ương, và nuôi chúng trong tối đa 30 ngày. Chúng tôi tiêm phòng cho gà con và chăm sóc chúng để không có rủi ro trong chăn nuôi”, Sarita Mallick, 22 tuổi, ở làng Kandhamal’s Dakedi cho biết.

Sarita và 9 phụ nữ khác trong làng đã thành lập nhóm tự lực Mahima (SHG) và bắt đầu một cơ sở nuôi gà, nơi họ nuôi hơn 200 gà con một ngày tuổi đến một tháng và bán chúng cho những phụ nữ khác ở địa phương. Surati Pradhan, 47 tuổi, Chủ tịch SHG, cho biết: “Phụ nữ trong cộng đồng rất vui khi nhận những con gà con một tháng tuổi vì không có rủi ro khi nuôi chúng ở sân sau của họ”.

Giống như Kandhamal, một đơn vị nuôi gà đã thành lập ở làng Tulapada ở quận Kalahandi. Anandini Biswal, một thành viên của làng, nhận xét: “Do sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, ngày càng có nhiều phụ nữ tiến tới nuôi nhiều gà hơn ở sân sau của họ”.

Theo Tiến sĩ Rajendra Kumar Samantaray – Trưởng phòng thú y của Kandhamal, xu hướng mới làm tăng hy vọng về an ninh dinh dưỡng cho người dân bộ lạc Kondh, và chỉ ra rằng chăn nuôi gia cầm ở sân sau đang trở thành một hoạt động phổ biến hơn bao giờ hết.

Theo thepoultrysite
Biên dịch: channuoigiacam.com




Các tin khác :

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2015 by Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
®Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter